Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Bánh dày quán Gánh

Bánh dày Quán Gánh là đặc sản truyền thống của mảnh đất trăm nghề Hà Tây nay là Hà Nội. Nổi tiếng từ rất lâu đời, trong làng Quán Gánh từ tờ mờ sáng nhà nào cũng vang lên tiếng chày giã bánh làm sôi động cả một vùng quê.


Làng Quán Gánh thuộc địa phận thị trấn Thường Tín tỉnh Hà Tây nay là Hà Nội. Từ hàng trăm năm nay bánh dày của làng luôn được xem là một món ăn dân dã mà thanh tao của ẩm thực Việt.
Quán Gánh đã đi vào “từ điển” ẩm thực Việt Nam với món bánh dầy độc đáo và nổi tiếng, có tự nghìn xưa.

Ven Quốc lộ 1 qua địa phận làng Quán Gánh, từng dãy bán bánh dày xếp thành hai hàng dài, hàng nào cũng bày đều tăm tắp những gói bánh dày được gói bằng lá chuối xanh rờn, như chào mời, níu chân khách qua đường.

Khách qua đường lỡ bữa thường dừng chân ăn chiếc bánh, uống chén trà hoặc mua vài gói bánh về làm quà cho người thân. Ăn bánh một lần rồi nhớ mãi hương vị để lần sau có dịp đi qua nhất định lại ghé vào làng.
Chiếc bánh dày làng Quán Gánh có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối, độ thơm ngậy của đậu, thịt được pha trộn cùng với những hương liệu khác mà chỉ có người Quán Gánh mới làm nên được hương vị đặc trưng đó. Chiếc bánh dày ngon hay không, phần quyết định đầu tiên chính là ở khâu chọn gạo, đồ xôi. Gạo làm bánh phải là loại nếp trắng, dẻo thơm lấy từ vùng Hải Hậu (Nam Định), đem ngâm, đồ thành xôi. Xôi đồ vừa khéo, đủ độ để giã thành vỏ bánh dẻo thơm mà chỉ cần riêng vỏ bánh đều làm thành chiếc bánh dày chay, kẹp thêm miếng giò, người ăn đã cảm nhận được hương nếp trong từng miếng bánh quyện với vị giò thơm hương lá chuối.


Người giã gạo phải là người có sức khỏe dẻo dai, tay chày, tay cối, giã gạo ngay từ lúc xôi còn nóng, đến khi gạo thật nhuyễn, thật dẻo. Tiếng chày giã gạo mỗi sớm tinh sương từ bao đời nay đã trở nên thân thuộc với người dân làng Quán Gánh. Bánh dày có nhiều loại. Cùng với bánh dày chay còn có loại bánh dày nhân ngọt và nhân mặn. Bánh dày nhân ngọt là nhân từ đậu xanh xào đường. Nhiều người lại thích ăn bánh nhân mặn với đậu xanh, thêm ít thịt ba rọi, dừa và thơm mùi hạt tiêu. Mỗi loại bánh có một hương vị riêng. Dân làng Quán Gánh từ xưa sống chủ yếu bằng nghề nông, bản chất con người khéo léo thông minh nên sớm biết chế biến những nông sản do chính tay mình sản xuất. Người dân Quán Gánh thường truyền tai nhau câu nói “cái nghề vừa vo tròn, rồi lại bóp bẹp”, cái nghề tưởng như đơn giản ấy lại khá cầu kì và đòi hỏi sự khéo léo.

Muốn có hương vị thơm ngon nguyên liệu làm bánh nhất thiết phải là gạo nếp nương vụ mới, nhiều khi nguyên liệu lại là gạo nếp cẩm – một loại gạo có màu tím sẫm, rất quý và thơm ngon. Gạo được giã thủ công hoặc trực tiếp ra từ thóc, còn nguyên vỏ lụa mỏng tang, sau đó xôi chín bằng chõ gỗ đục từ thân cây. Lúc đun phải chú ý cho đều lửa thì xôi mới dẻo thơm. Xôi chín đổ vào cối giã ngay khi còn nóng, đến khi hạt gạo quyện vào nhau thành vỏ bánh rất trong và dẻo.

Đây là lúc các bà, các chị khéo léo tra nhân và nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời. Để bột khỏi dính vào tay và tăng độ thơm ngon cho bánh, người ta xoa lòng đỏ trứng gà vào tay khi nặn bánh. Lá gói bánh là lá chuối đã được hơ qua lửa cho khỏi rách. Bánh dầy Quán Gánh có ba loại nhân ngọt, nhân mặn và nhân chay. Bánh chay và bánh ngọt thường được dùng làm đồ tế lễ. Khi ăn thực khách có thể kẹp với giò hoặc chả. Cầu kì hơn thì bánh được cắt thành từng miếng nhỏ và chấm với mật ong rừng vàng sánh. Thưởng thức thứ bánh này, thực khách sẽ thấy khoan khoái, cảm nhận dư vị đậm đà của giống nếp quý mọc từ đất với mật ong rừng từ những vách đá hun hút đại ngàn


Đã từ lâu, cứ mỗi độ Xuân về, bánh dầy lại trở thành sản vật thiêng liêng không thể thiếu trên những mâm cúng dâng lên Đền Hùng. Ngày nay, bánh dầy Quán Gánh không chỉ xuất hiện trong mỗi dịp lễ hội, mà nó còn làm vừa lòng biết bao người khách tha phương dù chỉ tình cờ dừng chân hay một lần nếm thử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét